
1- Hoa trong bão: Tiểu thuyết tư liệu/ Nguyễn Trường Thanh.- H.: Nxb. Hội nhà văn, 1994.- 339Tr.; 19cm
VVDC.126-29; VVM.17294-95; VVTN.3426-28
Từ một giáo viên văn - sử của mảnh đất chiến khu Bắc Sơn, nhà văn Nguyễn Trường Thanh đã đắm mình trong âm hưởng hào sảng của ca khúc Bắc Sơn nổi tiếng do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác và những chiến tích oai dũng của du kích Bắc Sơn. Trong ông nhen nhóm khát vọng sáng tác một cái gì đó cho xứng đáng với nơi đây. Sau hơn 30 năm ấp ủ, tìm kiếm, sưu tầm nhà văn Nguyễn Trường Thanh đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết lịch sử “Hoa trong bão”.
“Hoa trong bão”, cuốn tiểu thuyết tái tạo lại cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940 oanh liệt. Mỗi trang viết của tác phẩm, nhà văn Nguyễn Trường Thanh tái tạo lại chân dung của những người anh hùng chân đất, tất cả các đồng bào dân tộc đều đứng lên dưới sự lãnh đạo của Đảng làm nên kỳ tích của một thời kỳ lịch sử. Tác phẩm cho chúng ta thấy rõ hơn bản anh hùng ca của Bắc Sơn anh hùng.
Một đời gắn bó với Xứ Lạng, định danh trên văn đàn bằng những tác phẩm viết về biên cương, bằng niềm say mê với văn học, lịch sử, nhà văn Nguyễn Trường Thanh đã ghi chép những câu chuyện kể về khởi nghĩa Bắc Sơn, về những người lãnh đạo đánh chiếm đồn Mỏ Nhài, tìm hiểu phong tục, tập quán của bà con các dân tộc nơi đây. Càng tìm hiểu, Nguyễn Trường Thanh càng thấy những vỉa quặng vô giá của lòng yêu nước của người dân vùng cách mạng này. Và ông đã miệt mài viết như nhập đồng suốt sáu tháng để hoàn thiện “Hoa trong bão”. Cuối năm 1994, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành và tác phẩm cũng được chuyển thể dựng thành phim truyện nhựa 90 phút.
Những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết như: Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Tiệp, Trần Đăng Ninh, Lương Văn Tri…là những chiến sỹ cách mạng dũng cảm, kiên cường …tất cả đều được Nguyễn Trường Thanh trân trọng, dành những lời văn đẹp nhất, những hành động anh hùng, quả cảm nhất. Bối cảnh là một trận càn, úp lấp mẻ lưới to những chiến sỹ cách mạng, những yếu nhân của Đảng cộng sản Đông Dương trong thời kỳ ấy. Những tên trùm mật thám Pháp như la Néc, Đờ Loóc, Đăng uýt đều được huy động trong cuộc chiến này. Bọn Nhật cũng sẵn sàng hậu thuẫn cho thực dân pháp. Nhưng nhờ có những chiến sỹ Cứu quốc quân dũng cảm, kiên trì, mà những chiến sỹ cách mạng, những yếu nhân quan trọng của cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã mưu trí, dũng cảm thoát khỏi những ổ phục kích, màng lưới bủa vây, trong âm mưu thâm hiểm của địch..Hình ảnh các chiến sỹ cách mạng, qua những tư liệu và một chút hư cấu cho phép đã là những hình ảnh sáng chói trong tập sách ở tinh thần yêu nước, ở sự nhìn nhận tinh tế, hoạch dịch chủ trương thích hợp, và khi sa vào tay giặc thì kiên nghị, bất khuất…
Tác giả Nguyễn Trường Thanh bằng việc xâu chuỗi những tư liệu lịch sử cần thiết, cùng với trí tưởng tượng phong phú, đã thành công trong việc dựng lại một giai đoạn hoạt động cách mạng quan trọng của Đảng ở vùng đất thiêng liêng này. Và đây cũng đã trở thành một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Với tác phẩm Hoa trong bão – người đọc đã hình dung ra được bối cảnh lịch sử cụ thể ở vùng đất nổi tiếng của Lạng Sơn trong giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám – vùng đất Bắc Sơn với những con người chất phác, đôn hậu, sự giác ngộ sâu sắc của nhân dân lao động Bắc Sơn…Những gia đình cơ sở, những chiến sĩ Bắc Sơn một lòng theo Đảng, những ông bố, bà mẹ người dân tộc đã cất giấu, chăm sóc các cán bộ trong thời kỳ ấy, là những tấm lòng vàng, những địa chỉ đỏ vô cùng tin cậy.
Từng câu chữ, từng trang viết trong “Hoa trong Bão” giúp người đọc hình dung lại những hoạt động cách mạng quan trọng, sự kiện lịch sử của đất nước, của dân tộc…bối cảnh một vùng đất lịch sử anh hùng. Xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn cuốn sách này.
2- Kỳ tích Chi Lăng/ Trường Thanh.- H.: Thanh niên, 2002.- 239Tr.; 19cm
VVD.13150; VVM.21157
Tiểu thuyết lịch sử Kỳ tích Chi Lăng ra đời năm 1981, nhà nghiên cứu văn học Hương Thanh nhận xét: “Cuốn sách ra đời ngay lập tức gây được tiếng vang bởi giá trị thời sự và văn học của nó”. Bởi đây là những tháng ngày căng thẳng sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (Tháng 2 năm 1979) mà Lạng Sơn là một trong những điểm nóng nhất. Cuốn sách viết về những kỳ tích trên một con đường huyền thoại, từng là nỗi kinh hoàng của những đạo quân xâm lược khổng lồ Phương Bắc. Nhà văn Nguyễn Trường Thanh xây dựng từ các truyền thuyết dân gian và mang rõ sự sáng tạo, tưởng tượng độc đáo của người viết.
Trong cả ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Lạng Sơn là mảnh đất tiền tiêu, là mũi tấn công chính của giặc vào Đại Việt. Tuy nhiên, với giặc ngoại xâm, Ải Chi Lăng trên con đường bách lý xuôi từ biên giới với Ải Nam Quan, qua Lạng Sơn về Thăng Long - Hà Nội, lại là một tử địa vì quy mô hoành tráng, đồ sộ, địa thế hiểm yếu thập nhân khứ, nhất nhân hoàn (10 kẻ đi chỉ 1 kẻ quay về được) của nó. Suốt quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam, với chiến lũy hình thang tại Ải Chi Lăng cùng hệ thống đầm lầy, sông suối, núi non hiểm trở của nó, luôn là bức tường thành từ xa của kinh đô Thăng Long ngăn bước viễn chinh quân xâm lược phương Bắc.
Cuốn sách là 52 câu chuyện về mảnh đất Chi Lăng Anh hùng. Qua ngòi bút của Nguyễn Trường Thanh “ Kỳ Tích Chi Lăng” được bao quát không gian rộng, thời gian dài: Từ khi nước ta bị nhà Đường đô hộ, trải qua các cuộc khởi nghĩa của các dân tộc Chi Lăng và các vùng phụ cận cùng nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi bọn phong kiến phương Bắc. Xuyên suốt cả tác phẩm từ Núi Phượng Hoàng, Mã Yên Sơn; Núi Vui Ngự..đến Núi Mặt Quỷ, Quỷ Môn Quan; Bến Tuần; Cầu Quan Âm; Núi Kỳ Lân…Mỗi bài ghi chép là cả tâm huyết của tác giả. Tất cả các câu truyện kể này có chứa đựng các chi tiết hư cấu, tuy nhiên nhân vật chính và sự kiện chính thì được sáng tạo trên các sử liệu xác thực trong lịch sử.
Tác phẩm Kỳ tích Chi Lăng ra đời đã có giá trị khích lệ vô cùng lớn lao đối với đồng bào cả nước trong thời điểm cuộc chiến tranh biên giới đang diễn ra một cách nóng bỏng. Những câu chuyện lịch sử không ghi trong chính sử nhưng lưu truyền trong dân gian đã được Nguyễn Trường Thanh văn học hóa, kể lại bằng một giọng văn đầy sức truyền cảm và thuyết phục. Những truyền thuyết lịch sử này được dựng lại dưới ngòi bút giàu sức sáng tạo của nhà văn Nguyễn Trường Thanh đã hấp dẫn được người đọc. Rất nhiều tri thức mới mẻ và lý thú về những điều tưởng chừng chúng ta đã am hiểu – lần đầu tiên được nhà văn Nguyễn Trường Thanh viết ra một cách cụ thể, sinh động. Mỗi tấc đất ở vùng Chi Lăng lịch sử này đã ghi dấu bao kỳ tích của dân tộc với bao huyền thoại tồn tại xung quanh nó. Hình tượng những người anh hùng thuộc mọi tầng lớp nhân dân, của các dân tộc anh em khác nhau ở nơi đây; những mối tình tuyệt đẹp cùng tình yêu Tổ quốc, lòng hiếu nghĩa, chí anh hùng…của những người con Xứ Lạng – đều đã được hiện lên sống động trong tiểu thuyết lịch sử Kỳ tích Chi Lăng. Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn!
3- Hoa bất tử: Tiểu thuyết/ Nguyễn Trường Thanh.- H.: Nxb. Hội nhà văn, 2009.- 493Tr.; 21cm
VVDC.736; VVD.14854; VVM.19193-95
Tiểu thuyết Hoa bất tử là cuốn sách mà nhà văn Trường Thanh đã chuẩn bị tư liệu, ấp ủ trên 40 năm để đến giữa năm 2008 mới bắt đầu cầm bút. Ông viết liền một mạch trong 6 tháng và phát hành đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 – 4/11/2009).
Trong cuốn sách này tác giả là người dẫn truyện, với hơn 400 nhân vật có thật trong lịch sử, trong đó Hoàng Văn Thụ - Người chiến sỹ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của nhân dân các dân tộc Xứ Lạng là nhân vật chính. Dày 500 trang tiểu thuyết Hoa bất tử là pho sử ghi chép về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ, cũng như mối tình huyền thoại giữa người chiến sĩ gang thép ấy với nữ chiến sĩ cộng sản Phạm Thị Vân (mật danh Hoàng Ngân).
Với lối dẫn truyện, tác giả đã làm sống dậy những hiện trạng xã hội, đời sống nhân vật. Khi đọc Hoa bất tử mỗi chúng ta cũng sẽ được sống lại cùng các sự kiện lịch sử diễn ra trong nửa đầu của thế kỷ trước.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ, dân tộc Tày, sinh ngày 04/11/1909 tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, nay là thôn Phạc Lạn, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Thời thơ ấu, đồng chí được gia đình cho học chữ Nho tại trường làng. Bước sang tuổi thiếu niên, đồng chí được cha mẹ cho ra thị xã Lạng Sơn học tại trường Tiểu học Pháp – Việt.
Trong suốt chặng đường 15 năm hoạt động cách mạng, với sự nỗ lực, đầy trách nhiệm của một cán bộ lãnh đạo của Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển Đảng bộ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên, củng cố được nhiều cơ sở Đảng ở Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Vĩnh Yên, Quảng Ninh, Hải Dương… Sự phát triển vững chắc của các cơ sở Đảng ở các tỉnh đã đóng vai trò nòng cốt cho việc mở rộng phát triển phong trào cách mạng trên một địa bàn khá rộng lớn. hoạt động rộng khắp của đồng chí trên nhiều địa bàn, ngoài nước, trong nước, miền núi, đồng bằng, thành phố, trong hầm mỏ, nhà máy… đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn xa, hiểu rộng.
Nhiều chi tiết đắt giá, được nhà văn khắc họa như “Trước khi ra pháp trường, Hoàng Văn Thụ còn nhờ bạn tù gửi chiếc áo len do Hoàng Ngân đan cho Tổng Bí thư Trường Chinh, và gửi thư vĩnh biệt cùng bài thơ “nhắn bạn” nổi tiếng cho người vợ chưa cưới thân yêu của mình”. Bài thơ không chỉ dành riêng cho chị mà còn cho các đồng chí, các bạn chiến đấu gần xa với những vần thơ thép, lấp lánh ánh hào quang của một tư tưởng lớn, sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời mình vì lý tưởng cao cả: đấu tranh giải phóng dân tộc, xả thân vì nước:
“Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm
Chí còn theo dõi buổi tung hoành
Bạn hỡi gần xa hăng chiến đấu
Trước, sau xin giữ tấm lòng thành”
Rạng sáng ngày 24/5/1944, kẻ thù đã sát hại đồng chí tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội). Trước mặt kẻ thù, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nói những lời đanh thép: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Khi tên cố đạo hỏi: “Anh có muốn rửa tội không?” đồng chí Hoàng Văn Thụ đã ôn tồn trả lời: “Xin cảm ơn, chúng tôi, những người làm cách mạng cứu nước không có gì mà có tội. Chỉ bọn người đi cướp nước mới thực sự là có tội”.
Trong giờ phút vĩnh biệt đồng bào, đồng chí của mình, đồng chí đã nêu cao khí phách của người chiến sĩ cộng sản, hiên ngang trước quân thù, đồng chí hô vang:
- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
- Việt Nam độc lập muôn năm!
Đồng chí Hoàng Văn Thụ mãi mãi đi vào cõi trường sinh bất tử trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng và toàn dân ta. Tuổi thanh xuân và cuộc đời đấu tranh cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ đã trở thành bài ca cách mạng, âm vang tinh thần bất khuất của các thế hệ cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cuốn tiểu thuyết lịch sử này gồm 16 chương đã thể hiện được sự trân trọng đặc biệt của nhà văn đối với nhà cách mạng vĩ đại, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hoàng Văn Thụ với người nữ anh hùng Phạm Thị Vân. Những chi tiết trong tác phẩm lần đầu tiên người đọc được biết đến – thật là xúc động! Ngoài lí tưởng cách mạng, tình yêu quê hương đất nước của một nhà cách mạng lớn – là mối tình huyền thoại của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ. Đó là một nội dung, một khía cạnh mang mầu sắc riêng tư, nhưng nó đã góp phần thể hiện một cách hoàn chỉnh hình ảnh, nhân cách cao cả của người anh hùng Hoàng Văn Thụ - đúng như câu cuối của cuốn tiểu thuyết “Nếu nói: “Người là hoa của đất” thì ông, Hoàng Văn Thụ là HOA BẤT TỬ.
- ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 191 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TỈNH LẠNG SƠN (04/11/1831 - 04/11/2022)
- THƯ MỤC CHUYÊN ĐỀ: KỶ NIỆM 72 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG LẠNG SƠN (17/10/1950 – 17/10/2022)
- ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP (25/8/1911 - 25/8/2021)
- GIỚI THIỆU SÁCH CHUYÊN ĐỀ KỶ NIỆM 111 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ (08/3/1910 – 08/3/2021)
- GIỚI THIỆU SÁCH CHUYÊN ĐỀ KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QĐND VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2020)
- GIỚI THIỆU SÁCH CHUYÊN ĐỀ KỶ NIỆM 111 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ HOÀNG VĂN THỤ (04/11/1909 – 04/11/2020)
- GIỚI THIỆU SÁCH CHUYÊN ĐỀ CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG LẠNG SƠN 17/10/1950 – 17/10/2020
- GIỚI THIỆU SÁCH TRUYÊN ĐỀ KỶ NIỆM NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM 28/6 NĂM 2020
- GIỚI THIỆU SÁCH CHUYÊN ĐỀ HƯỞNG ỨNG NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI 5/6/2020
- GIỚI THIỆU SÁCH CHUYÊN ĐỀ KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 – 19/5/2020)
- ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 183 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TỈNH LẠNG SƠN (04/11/1831 – 04/11/2014)
- GIỚI THIỆU CHÙM SÁCH CỦA NHÀ VĂN XỨ LẠNG NGUYỄN TRƯỜNG THANH NHÂN DỊP KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY KHỞI NGHĨA BẮC SƠN (27/9/1940 – 27/9/2015)
- ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 109 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ HOÀNG VĂN THỤ (04/11/1909 – 4/11/2018)
- ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 104 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ LƯƠNG VĂN TRI (17/8/1910 – 17/8/2014)
- THƯ MỤC CHUYÊN ĐỀ KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH (01/7/1915 – 01/7/2015); KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (19/8/1945 – 19/8/2015) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (02/9/1945 – 02/9/2015)



